Mục lục
5 bệnh ngoài da thường gặp ở người lớn
Có rất nhiều loại bệnh da liễu khác nhau cả về triệu chứng, tác nhân gây bệnh và phương pháp điều trị. Không khí ô nhiễm, khí hậu nóng ẩm hoặc hanh khô đều là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da liễu. Ngoài ra, mệt mỏi, buồn phiền, stress kéo dài cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Đa số bệnh da liễu thường không mấy nguy hiểm, chỉ gây ảnh hưởng tạm thời và có thể điều trị được, nhưng nếu bạn quá xem nhẹ và không điều trị bệnh đúng cách dẫn đến bệnh lây lan, phát triển thành mãn tính, xuất hiện biến chứng, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là 10 bệnh về da thường gặp ở người lớn mà bạn cần biết.
1. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa (thường được gọi là eczema) là một trong những bệnh lý ngoài da thường gặp nhất, đặc biệt ở trẻ em, và ít gặp hơn ở người lớn. Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa có liên quan đến yếu tố di truyền, rối loạn chức năng miễn dịch và biểu bì, và các yếu tố môi trường, nhưng cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh chính xác vẫn chưa được xác định rõ ràng. Triệu chứng thường gặp nhất là ngứa dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ, kèm theo là các tổn thương da từ ban đỏ mức độ nhẹ đến nặng.
Các tổn thương do bệnh thường xảy ra ở mặt, da đầu, cổ, khuỷu tay, cằm hoặc tay, chân, thân mình với sự xuất hiện của các mảng phát ban đỏ hình tròn ranh giới không rõ ràng; trên bề mặt nổi nhiều mụn nước và nốt sẩn, da bị phù nề, đóng vảy tiết, đôi khi xuất hiện các vết trợt, bội nhiễm tụ cầu sinh ra mụn mủ và vẩy tiết có màu vàng.
Chẩn đoán: Thăm khám lâm sàng, đôi khi có thể sử dụng các xét nghiệm tìm dị nguyên như test lẩy da, test áp da, test hấp thụ dị nguyên phóng xạ…
Điều trị: Dưỡng ẩm, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, corticosteroid tại chỗ, trường hợp nặng có thể dùng thuốc ức chế miễn dịch.
2. Viêm da tiếp xúc
Là bệnh viêm da cấp tính do tiếp xúc trực tiếp với các chất gây kích ứng hoặc chất gây dị ứng. Đây là căn bệnh dễ mắc nhưng khó chữa với các triệu chứng như: ngứa, phát ban đỏ, mụn nước hoặc phồng rộp da, khô da, nứt nẻ, bong tróc da và bỏng rát, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thẩm mỹ của da. Các triệu chứng này không lây nhiễm hoặc đe dọa tính mạng, nhưng có thể gây khó chịu và ngứa ngáy kéo dài.
Chẩn đoán: Dựa vào tiền sử phơi nhiễm, thăm khám lâm sàng, test áp da.
Điều trị: Ngay khi phát hiện bệnh, cần phải tránh tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh, không được gãi hay làm trầy xước vùng da đang bị bệnh, có thể dùng các loại kem chống ngứa, thuốc kháng histamin, corticosteroid.
3. Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến là một bệnh viêm da mãn tính rất phổ biến. Theo thống kê, bệnh vảy nến chiếm đến 10% tổng số người mắc bệnh ngoài da. Nguyên nhân của bệnh vẩy nến không rõ ràng nhưng có liên quan đến kích thích miễn dịch của tế bào sừng ở lớp thượng bì. Ở người bình thường, trung bình quá trình thay da cũ bằng các tế bào da mới mất khoảng vài tuần. Nhưng do hiện tượng tăng sinh tế bào ở bệnh nhân mắc bệnh vảy nến, quá trình trên diễn ra nhanh gấp 10 lần khiến các tế bào da cũ và mới không kịp thay đổi, tích tụ lại một chỗ tạo thành những mảng dày, có vảy trắng hoặc bạc.
Thông thường, vị trí dễ mắc bệnh vảy nến nhất là da đầu, đầu gối, khuỷu tay, xương chậu, mông và bộ phận sinh dục. Móng tay, lông mày, nách, rốn và vùng quanh hậu môn cũng có thể bị ảnh hưởng. Ở giai đoạn mãn tính, vảy nến lây lan nhanh trên cơ thể thành các vùng vảy trắng lớn, người bệnh không những có cảm giác đau đớn, ngứa ngáy mà còn chịu nhiều ảnh hưởng về mặt tâm lý do mất thẩm mỹ.
Chẩn đoán: Đánh giá lâm sàng, hiếm khi cần sinh thiết da.
Điều trị: Điều trị tại chỗ (ngâm nước ấm, dùng các chất làm mềm, acid salicylic, anthralin, corticosteroid, dẫn xuất vitamin D3…), điều trị bằng tia cực tím, hoặc điều trị toàn thân (methotrexate, cyclosporine, acitretin, isotretinoin).
4. Phát ban
Phát ban hay còn gọi là mề đay, là những mảng hoặc chấm da đổi màu (thường màu đỏ) mới xuất hiện khi có hiện tượng viêm da do dị ứng hoặc các bệnh nhiễm khuẩn. Các triệu chứng của phát ban là nổi ban da kèm ngứa, nổi bóng nước với cảm giác châm chích hoặc như kiến lửa đốt. Bệnh nhân càng gãi, càng động vào vùng da bị phát ban thì càng ngứa, có thể bị chảy máu và bị bội nhiễm. Ban da có thể xuất hiện trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, thường nổi cấp tính và hết sau một tuần.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như dị ứng với thuốc, với thức ăn, phấn hoa, lông động vật, tiêu thụ quá nhiều những loại thức ăn chứa nhiều đạm, canxi.
Chẩn đoán: Đánh giá lâm sàng và tiền sử phơi nhiễm thuốc, đôi khi cần sinh thiết da.
Điều trị: Ngừng thuốc nếu phát ban do thuốc, có thể dùng thuốc kháng histamin, corticosteroid.
5. Thủy đậu
Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella gây ra. Bệnh thường phát triển mạnh vào mùa đông và đầu xuân, lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp, lây lan qua không khí từ các giọt nước bọt nhỏ li ti được tiết ra từ đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện) hoặc lây từ các chất dịch ở nốt phỏng.
Triệu chứng thường gặp của bệnh thủy đậu là sốt cao, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ, xuất hiện mụn nước ở toàn thân và thậm chí trong niêm mạc miệng, gây ngứa rát, khó chịu cho người bệnh. Nhiều người nghĩ thủy đậu chỉ là bệnh ngoài da nên không nguy hiểm, tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, thủy đậu sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não, zona…
Chẩn đoán: Đánh giá lâm sàng, PCR xác định sự hiện diện của DNA virus, xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang trực tiếp tìm kháng nguyên virus, xét nghiệm huyết thanh học.
Điều trị: Điều trị triệu chứng, valacyclovir hoặc famciclovir (bệnh nhân ≥ 12 tuổi), acyclovir.
(Tổng hợp)
Xem thêm: