Mục lục
Bệnh đái tháo đường: Phân loại, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hoá, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn insulin (hormon của tuyến tuỵ) trong máu. Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể bạn không thể chuyển hóa được lượng thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày để tạo ra năng lượng, lâu dần gây nên hiện tượng tăng glucose trong máu. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thần kinh, thận, mắt,… Trong những năm gần đây, số bệnh nhân bị đái tháo đường đang có xu hướng tăng nhanh và ngày càng trở thành vấn đề lo ngại đối với giới y khoa cũng như đối với toàn xã hội. Việc trang bị những kiến thức về bệnh đái tháo đường sẽ giúp bạn phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
1. Phân loại bệnh đái tháo đường
1.1 Đái tháo đường tuýp 1:
Được gọi là đái tháo đường lệ thuộc insulin. Insulin là hormon có vai trò kiểm soát đường huyết. Đái tháo đường tuýp 1 chiếm khoảng 7 – 10% trong số các bệnh nhân bị đái tháo đường, thường gặp ở những người trẻ tuổi, do tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin khiến nồng độ đường trong máu tăng cao. Đái tháo đường tuýp 1 thường xuất hiện đột ngột, tiến triển nhanh nên có thể dễ dàng phát hiện bệnh.
1.2 Đái tháo đường tuýp 2:
Được gọi là đái tháo đường không lệ thuộc insulin, chiếm tỷ lệ gần 90% trong số các bệnh nhân bị đái tháo đường. Ở nhóm này, tuyến tụy tiết insulin bằng lượng insulin của người bình thường nhưng tế bào mỡ, gan và cơ kháng với insulin, dẫn đến kết quả glucose không thể vào trong tế bào để giúp cơ thể dự trữ năng lượng và gây ra hiện tượng tăng đường huyết. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi, hoặc những người có tiền sử gia đình bị bệnh đái tháo đường, bệnh nhân bị rối loạn lipid huyết, tăng huyết áp, những người thừa cân, béo phì, phụ nữ sinh con nặng trên 4 kg, hoặc các bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc làm tăng đường huyết…
1.3 Đái tháo đường thai kỳ:
Là tình trạng đường huyết cao ở một số phụ nữ trong thời gian mang thai, thường xuất hiện từ tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ. Nguyên nhân thường do một số hormone giúp thai nhi phát triển được tiết ra từ nhau thai khiến cơ thể thai phụ khó sản xuất hoặc khó sử dụng insulin hơn (còn gọi là kháng insulin). Nếu bạn đang mang thai, hãy đi khám thai định kỳ để có thể phát hiện sớm và có phương pháp điều trị thích hợp. Bệnh đái tháo đường thai kì khiến dễ sẩy thai, thai nhi có thể bị sinh non, dị tật, tử vong,…
1.4 Đái tháo đường thứ phát:
Thường xảy ra do các nguyên nhân khác như khiếm khuyến về gen, sử dụng thuốc (corticoid, thuốc ngừa thai, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống thải ghép,…), sau cấy ghép mô, bị các bệnh lý như bệnh to đầu chi, viêm gan, gan nhiễm mỡ, cường giáp, viêm tụy, ung thư tụy,…
2. Yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường
- Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường.
- Tiền sử bản thân bị đái tháo đường thai kỳ.
- Lười vận động.
- Thừa cân.
- Tăng huyết áp.
- Lớn tuổi.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh.
3. Triệu chứng điển hình của bệnh
- Đói nhiều, rất nhanh đói dù mới ăn xong.
- Khát nước nhiều.
- Đi tiểu nhiều.
- Sụt cân nhiều.
- Đau bụng và nôn.
- Mệt mỏi.
- Nhìn mờ.
- Hay cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng.
- Lú lẫn.
- Thở nhanh.
- Đau bụng.
- Khô miệng, ngứa da.
- Có cảm giác kiến bò ở đầu chi.
4. Điều trị
- Bổ sung insulin.
- Thuốc dùng đường uống: Thuốc kích thích tuyến tụy tiết insulin (glyburid, glipizid, glibenclamid), thuốc làm giảm sản xuất glucose ở gan (metformin), thuốc ức chế men alpha-glucosidase (acarbose, glyset), thuốc kích thích cơ bắp sử dụng insulin và giảm việc đưa glucose vào máu từ đường dạng dự trữ trong gan (pioglitazone, rosiglitazone),…
- Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể gây nhiều biến chứng. Do đó ngoài việc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn nên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục đều đặn.
5. Phòng ngừa bệnh đái tháo đường
- Tăng cường tập thể dục bằng cách chơi các môn thể thao yêu thích như tennis, bơi lội, hoặc đi bộ…
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý.
- Ăn uống lành mạnh như rau, củ, quả, cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt bỏ mỡ, các loại đậu… được chế biến đơn giản như hấp, luộc
- Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, chiên nhiều dầu mỡ.
- Uống nhiều nước (1,5 – 2,5 lít/ngày).
- Hạn chế rượu bia, thức uống có cồn, nước ngọt có gaz.
- Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào…
- Bên cạnh đó, bạn nên đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ để được hướng dẫn cách phòng, chống căn bệnh đái tháo đường một cách hiệu quả nhất.
(Tổng hợp)
Xem thêm: