Gan nhiễm mỡ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ bị tích tụ quá nhiều trong gan, chiếm trên 5% trọng lượng của gan gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Đây là một bệnh khá phổ biến ở Việt nam và trên thế giới. Ở giai đoạn đầu, gan nhiễm mỡ được xem là bệnh lý lành tính, chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, gan nhiễm mỡ sẽ để lại nhiều biến chứng như xơ gan, ung thư gan, thậm chí tử vong. Hãy cùng kienthucsuckhoe tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ nhé.

1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ

1.1 Uống nhiều rượu bia

Gan là một bộ phận vô cùng quan trọng trong cơ thể, có chức năng giải độc. Dù gan có khả năng tái tạo và tự sửa chữa, nhưng nếu tiêu thụ một lượng lớn rượu bia vào cơ thể có thể làm suy yếu hoặc thậm chí phá hủy các tế bào gan, dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, triệu chứng không rõ ràng và chỉ được phát hiện khi bệnh đã nặng. Một số trường hợp có thể gặp các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như cảm thấy chán ăn, mệt mỏi, vàng da, cơ thể khó chịu, hay buồn nôn hoặc có cảm giác nặng ở vùng dưới sườn phải…

1.2 Đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa glucose. Lượng glucose có trong thức ăn sau khi vào cơ thể sẽ được lưu trữ dưới dạng glycogen, lượng glucose dư thừa sẽ được chuyển thành chất béo và tích lũy trong gan sẽ trở thành gan nhiễm mỡ. Đái tháo đường không được kiểm soát tốt sẽ làm tăng lượng glucose trong máu, dẫn đến giảm chức năng chuyển hóa cholesterol của gan, lâu dần khiến tích tụ nhiều mỡ ở gan. Đái tháo đường làm trầm trọng thêm tình trạng gan nhiễm mỡ, làm tăng nguy cơ diễn tiến đến viêm gan, xơ gan và ung thư gan.

1.3 Rối loạn lipid huyết (mỡ máu)

Lipid huyết là thành phần quan trọng của cơ thể, gồm các thành phần chính là cholesterol, triglycerides và phospholipid. Trong đó, cholesterol có hai loại chính là HDL-cholesterol (mỡ tốt), LDL–cholesterol (mỡ xấu). Rối loạn lipid huyết khiến cho lượng mỡ xấu tăng cao, lượng mỡ tốt giảm. Lâu dần, mỡ xấu sẽ bám vào thành mạch, tạo thành các mảng xơ vữa cản trở quá trình lưu thông máu đến cơ quan khác trong cơ thể. Gan là nơi chuyển hóa lipid trong máu, hàm lượng mỡ trong máu tăng cao khiến gan bị quá tải và không kịp xử lý làm đọng lại mỡ trong tế bào gan.

Gan nhiễm mỡ
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ

1.4 Thừa cân, béo phì

Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ tỷ lệ thuận với chỉ số khối của cơ thể (BMI). Người béo phì thường xuyên bổ sung chất béo vượt quá ngưỡng hấp thu của cơ thể gây ra hiện tượng tích tụ mỡ trong gan, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, việc nạp quá nhiều calo cũng khiến cơ thể không chuyển hóa hết thành năng lượng để sử dụng sẽ tích trữ dưới dạng triglyceride.

2. Triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ

2.1 Vàng da

Dấu hiệu này thường không xuất hiện ngay từ đầu mà đến khi bệnh chuyển biến đến giai đoạn nặng mới trở nên rõ rệt. Khi chức năng gan bị suy giảm, quá trình thanh thải bilirubin gặp khó khăn khiến nồng độ bilirubin trong máu tăng cao gây lên hiện tượng vàng da. Triệu chứng vàng da thường xuất hiện ở các bệnh lý gan như: viêm gan do virus, xơ gan, hoặc có thể ung thư gan.

2.2 Nước tiểu sẫm màu

Nước tiểu có màu vàng sẫm, trường hợp nặng có thể có màu nâu đen là dấu hiệu của người bị viêm gan do virus, xơ gan, viêm gan nhiễm mỡ. Một số trường hợp có thể do ít uống nước, dùng thuốc, viêm nhiễm đường tiết niệu, …. cũng dẫn đến nước tiểu có màu vàng. Bạn cần đến ngay cơ sở y tế khi phát hiện nước tiểu sẫm màu dù đã uống đủ nước, thay đổi nguồn thực phẩm, không sử dụng thuốc; hoặc nước tiểu sẫm màu kèm theo các dấu hiệu: sốt, vàng da, kém ăn, tiêu chảy, ngứa da, đau bụng, nước tiểu kèm theo máu.

2.3 Đau bụng, buồn nôn, nôn

Đây là triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân suy giảm chức năng gan. Trường hợp bị gan nhiễm mỡ ở thể nhẹ, bạn sẽ gặp những dấu hiệu như mệt mỏi, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, cơ thể khó chịu, đau bụng phần phía trên bên phải. Đầy bụng, buồn nôn, nôn kèm theo các triệu chứng khác như nước tiểu sậm màu, phân xám hoặc bạc màu, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh gan nhiễm mỡ.

2.4 Mệt mỏi, ăn không ngon miệng

Kiệt sức, mệt mỏi là triệu chứng thường gặp ở bệnh gan nhiễm mỡ mức độ trung bình hoặc nặng. Nhưng triệu chứng này không điển hình, cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác.

Chức năng gan bị suy giảm, dẫn đến cảm giác ăn không ngon miệng, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng khiến bạn luôn thấy người mệt mỏi, kiệt sức, thiếu năng lượng.

3. Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ

3.1 Nói không với rượu bia

Gan nhiễm mỡ khó có thể hồi phục được nếu bạn không bỏ uống rượu. Hãy quyết tâm loại bỏ rượu ra khỏi cuộc sống của bạn. Nếu không thể loại bỏ ngay, hãy cố gắng giảm xuống mức thấp nhất có thể.

Gan nhiễm mỡ
Nói không với rượu bia – phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ

3.2 Tập luyện thể dục thể thao

Tập luyện thể lực giúp đốt cháy nhiều calo, thúc đẩy quá trình làm giảm lượng mỡ trong gan và gia tăng nhiều khối cơ trong cơ thể. Ngoài ra, tập luyện còn tốt cho cơ, xương, cũng sẽ giúp lưu thông tuần hoàn tốt hơn, cải thiện sức khỏe.

3.3 Chế độ ăn lành mạnh

Để hạn chế lượng mỡ trong máu, bạn cần có chế độ ăn hợp lý, cân đối. Tăng cường rau, trái cây, củ quả, nhất là các loại cây nhiều chất xơ, ngũ cốc; thay thế chất béo no thành chất béo chưa no có trong các loại cá, dầu oliu, các loại hạt; hạn chế tối đa thực phẩm có carbohydrate, thức uống có đường, đồ ăn chiên xào…

3.4 Giảm cân

Nếu bạn đang thừa cân, hãy lên kế hoạch giảm cân cho mình. Giảm cân có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm kiểm soát tốt lượng lượng calo và lượng chất béo đưa vào cơ thể, giúp ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, bảo vệ lá gan khỏi tổn thương. Ăn kiêng, tăng cường các thức ăn có nguồn gốc thực vật, tập luyện thể dục,… là những điều bạn nên làm. Nhưng bạn không nên giảm cân bằng chế độ ăn kiêng hoàn toàn, bởi điều đó sẽ thúc đẩy gan nhiễm mỡ tiến triển nhanh chóng.

(Tổng hợp)

Xem thêm:

TIN LIÊN QUAN

1 Số Bệnh đái tháo đường: Phân loại, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

kienthuc

1 Số Những bệnh gây khó thở và các bài tập giúp giảm tình trạng khó thở

kienthuc

7 biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

kienthuc