Mục lục
Khó thở: nguyên nhân và cách khắc phục
Khó thở là tình trạng người bệnh thở hơi ngắn hay cảm thấy khó khăn trong việc hít thở, có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ. Hiện nay trong cuộc sống có rất nhiều người gặp phải tình trạng khó thở. Đây không phải là một bệnh lý, mà là một triệu chứng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như vận động mạnh, luyện tập thể dục thể thao, leo núi, leo cầu thang… Nhưng đôi khi đó là triệu chứng liên quan đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Dưới đây là những bệnh lý gây khó thở mà bạn không nên bỏ qua để sớm có biện pháp khắc phục và điều trị kịp thời.
1. Những nguyên nhân gây nên tình trạng khó thở
1.1 Ung thư phổi
Ung thư phổi là tình trạng xuất hiện và phát triển không kiểm soát của các tế bào bất thường trong mô phổi. Ho, khàn tiếng, tức ngực, khó thở là những triệu chứng thường gặp của ung thư phổi. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể ho ra máu, đau nhức toàn thân, và sụt cân nhanh chóng. Bệnh càng nặng, bệnh nhân càng cảm thấy khó thở, hô hấp ngày càng khó khăn. Đây là một bệnh rất nguy hiểm và là một trong những bệnh ung thư có tỉ lệ tử vong cao. Phần lớn người bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã tiến triển nặng và rất khó điều trị.
1.2 Bệnh tim mạch
Nhồi máu cơ tim, suy tim, hẹp van hai lá, loạn nhịp tim… là các bệnh lý tim mạch có triệu chứng khó thở. Bệnh nhân bị khó thở khi gắng sức, thậm chí ngay cả khi họ nằm nghỉ. Họ cũng có thể gặp chứng thở khó vào ban đêm, tim giảm khả năng co bóp đột ngột, làm gián đoạn quá trình bơm máu từ tim đến phổi gây khó thở. Mỗi trường hợp sẽ có cách điều trị riêng tùy vào mức độ bệnh và tình trạng của người bệnh.
1.3 Viêm phổi
Viêm phổi là một dạng của bệnh nhiễm trùng phổi, khiến các các phế nang trong phổi bị viêm và ảnh hưởng tới hoạt động chức năng của phổi. Virus, vi khuẩn, nấm là các nguyên nhân gây nên bệnh viêm phổi. Bệnh viêm phổi xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi và trẻ nhỏ, hoặc những người thường xuyên hút thuốc và uống rượu bia, với triệu chứng rõ nhất là khó thở. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như tức ngực, sốt, ho có đờm, tiêu chảy, mệt mỏi, buồn nôn. Bệnh viêm phổi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, thậm chí tử vong.
1.4 Hen suyễn (hen phế quản)
Hen suyễn là một dạng viêm phổi mạn tính, do đường thở bị viêm và thu hẹp lại. Khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên như khói bụi, hóa chất, thức ăn, lông động vật, phấn hoa… thì hiện tượng viêm sẽ tăng lên. Đường dẫn khí bị viêm sẽ sinh ra chất nhầy khiến người bệnh thường xuyên ho, thở khó, thở khò khè hoặc thở gấp. Bệnh hen suyễn có thể xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Cho đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào điều trị dứt điểm bệnh hen suyễn nhưng tình trạng bệnh sẽ được cải thiện đáng kể nếu được can thiệp sớm và áp dụng đúng phác đồ điều trị.
1.5 Thiếu máu
Thiếu máu là bệnh xảy ra khi lượng hồng cầu trong máu bị suy giảm, nồng độ hemoglobin tụt xuống dưới mức cho phép (8 – 10g/dl). Nồng độ hemoglobin càng thấp, tình trạng khó thở sẽ càng trở nên thường xuyên và rõ rệt hơn. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu như suy dinh dưỡng, chảy máu, rối loạn di truyền, thiếu chất sắt, bệnh thận. Bệnh có thể xuất hiện theo từng mức độ từ nhẹ tới nặng với các triệu chứng như khó thở, thở gấp, da nhợt nhạt, mệt mỏi, đau ngực. Thiếu máu là bệnh không khó để điều trị nhưng nếu không thường xuyên thăm khám kiểm tra, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
1.6 Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (hay COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính, là một dạng tiến triển của bệnh phổi. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây khó khăn trong việc lưu thông của không khí đến phổi và ra khỏi phổi. Ngoài khó thở, bệnh còn gây ho có đờm, thở khò khè, mệt mỏi kéo dài, sốt, đau ngực… Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, nhiễm khuẩn đường hô hấp.
1.7 Thuyên tắc phổi
Đây là tình trạng trong phổi có máu đông làm ngăn chặn sự lưu thông của máu, dẫn đến quá trình trao đổi khí bị trở ngại gây khó thở. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể gặp các triệu chứng như thở ngắn, choáng váng, nhịp tim nhanh… Ung thư, béo phì, hút thuốc, giãn tĩnh mạch, người cao tuổi, gãy xương hông hoặc chân… là những yếu tố làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi. Tùy thuộc vào kích thước của cục máu đông và số lượng các mạch máu có liên quan, bệnh có thể đe dọa tính mạng.
2. Các bài tập giúp giảm tình trạng khó thở
Dưới đây là các bài tập đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả, bạn hãy áp dụng bất cứ khi nào cảm thấy khó thở.
2.1 Thở mím môi
- Thư giãn, thả lỏng cơ vai và cổ
- Đặt một tay lên thành bụng
- Hít sâuvào bằng đường mũi, lúc này miệng vẫn đóng và thành bụng hơi căng ra
- Thở mím môi(chúm môi) lại cho hơi thở từ từ thoát ra kẽ môi, thành bụng xẹp dần xuống.
2.2 Thở sâu
- Nằm xuống mặt phẳng, đặt hai tay lên bụng
- Hít sâu qua mũi, phình bụng và để không khí lấp đầy phổi
- Nín thở trong vài giây
- Thở chậm qua miệng cho đến khi phổi hết không khí
- Lặp lại trong 5 đến 10 phút
2.3 Đứng chống tay lên bàn
- Đứng hơi nghiêng người về phía trước, 2 tay chống lên bàn hay bất kỳ vật đứng trụ nào thấp hơn vai
- Thả lỏng 2 vai và cổ, nhẹ nhàng hít vào và thở ra.
2.4 Ngồi thả lỏng và hơi nhô người về phía trước
- Ngồi trên ghế cao, lòng bàn chân đặt xuống sàn, ngực hơi chếch về phía trước một chút
- Nhẹ nhàng đặt cùi chỏ lên đầu gối hoặc 2 tay giữ lấy cằm.
- Luôn giữ cho phần vai, cổ thả lỏng
Đừng chủ quan , hãy đến cơ sở y tế để thăm khám ngay nếu bạn bị khó thở, bởi vì sức khỏe của bạn là trên hết.
(Tổng hợp)
Xem thêm: