1 Số Những điều cần biết về bệnh tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy và những điều cần thiết

Tiêu chảy là tình trạng rối loạn tiêu hóa phổ biến, xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm, vì đó là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển. Bệnh tiêu chảy có thể lây lan nhanh và phát triển thành dịch lớn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhất là ở những khu vực đông dân, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không hợp vệ sinh, ăn thức ăn sống,…

Để hiểu rõ hơn về bệnh tiêu chảy, mời các bạn đọc bài viết dưới đây.

1. Phân loại bệnh tiêu chảy và nguyên nhân gây bệnh

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong một ngày. Dựa trên đặc điểm về thời gian mắc bệnh, bệnh tiêu chảy được chia thành 2 loại: tiêu chảy cấp tính, tiêu chảy mãn tính.

1.1 Tiêu chảy cấp tính 

Bệnh tiêu chảy cấp tính xảy ra trong một thời gian ngắn và thường tự hết. Tiêu chảy cấp tính thường gặp ở trẻ em mầm non và tiểu học. Bệnh gây tử vong cao do trẻ bị mất nước và chất điện giải.Tiêu chảy xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước nhiều hơn 3 lần mỗi ngày, thường kéo dài 1 tuần. Nguyên nhân của tiêu chảy cấp tính thường do thức ăn không phù hợp, ngộ độc thực phẩm, dùng thức ăn bị ôi thiu, vi khuẩn (E.coli, Trực khuẩn lỵ Shigella, Campylobacter Jejuni, Salmonella enterocolitica…), virus (rota là nguyên nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi).

1.2 Tiêu chảy mãn tính

Tiêu chảy mãn tính là tình trạng đi ngoài phân lỏng trên 3 lần mỗi ngày và kéo dài trên 4 tuần. Nguyên nhân gây tiêu chảy mãn tính có thể do dùng quá nhiều rượu hoặc cà phê, uống sữa, bệnh nhân không dung nạp lactose, do thuốc (như kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc nhuận tràng, thuốc trị ung thư…), hoặc có khả năng là triệu chứng của một bệnh lý khác như nhiễm khuẩn, bệnh viêm ruột… Bệnh không phổ biến, tuy nhiên có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể và đe doạ đến tính mạng.

Bệnh tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy

2. Triệu chứng của bệnh tiêu chảy

2.1 Các triệu chứng phổ biến của bệnh tiêu chảy là:

  • Đi tiêu trên 3 lần trong ngày, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước .
  • Đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn.
  • Đầy bụng, sôi bụng.
  • Buồn nôn, nôn (lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt).
  • Người mệt lả.
  • Đau đầu, chóng mặt.
  • Ăn không ngon.
  • Khát nước.
  • Sốt.
  • Phân có máu

2.2 Chẩn đoán bệnh tiêu chảy

Ngoài việc dựa trên tiền sử bệnh và các triệu chứng lâm sàng mà bạn gặp phải, bác sĩ có thể tiến hành một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả. Các xét nghiệm đó gồm:

  • Xét nghiệm máu:Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC), định lượng protein C phản ứng trong máu (xét nghiệm CRP) đối với các trường hợp nghi ngờ có nhiễm khuẩn kèm theo hoặc mất nước nặng, đồng thời để loại trừ một số bệnh.
  • Nuôi cấy phân: trong trường hợp tiêu chảy phân máu, tiêu chảy phân nước nặng nghi ngờ tả, tiêu chảy nặng và kéo dài, tiêu chảy ở trẻ suy giảm miễn dịch.
  • Đánh giá phân để kiểm tra tính chất của phân bằng cách soi tươi.
  • Siêu âm để loại trừ các vấn đề bất thường của hệ tiêu hóa trong cấu trúc giải phẫu
  • Xét nghiệm kiểm tra sự không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng.
  • Nội soi đại tràng: có thể phát hiện những tổn thương đại tràng và tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy.

3. Điều trị bệnh tiêu chảy

Đối với trường hợp tiêu chảy ở mức độ nhẹ, việc bù đủ nước và chất điện giải đã mất sẽ giúp bạn tự khỏi trong thời gian ngắn mà không cần can thiệp điều trị bằng thuốc.

  • Bù nước và điện giải bằng oresol được pha theo đúng tỷ lệ
  • Thực hiện chế độ ăn BRAT (viết tắt của chuối, gạo trắng, sốt táo và bánh mì nướng – (Bananas, Rice, Applesauce and Toast); ngoài ra, cần bổ sung thêm các thực phẩm khác như khoai tây, bơ đậu phộng, gà bỏ da hoặc gà tây, sữa chua.
  • Tránh các thực phẩm có thể làm cho tiêu chảy nặng hơn hoặc làm nặng bụng như: thức ăn chiên nhiều dầu mỡ, rau sống, các loại đậu, thức ăn cay, thức uống chứa caffein (như cà phê, soda).
  • Không cho trẻ ở mọi lứa tuổi quá nhiều nước lọc do có thể nguy hiểm.
  • Ngưng các thuốc đang sử dụng gây tiêu chảy.

Trường hợp bị tiêu chảy nghiêm trọng và kéo dài nhiều ngày với nhiều triệu chứng, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị để chữa khỏi bệnh triệt để.

4. Biện pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy

  • Tiêm vắc-xin rotavirus để ngăn ngừa tiêu chảy do rotavirus.
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, hoặc dung dịch rửa tay khô.
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường
  • Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: không ăn trái cây và rau tươi khi chưa được rửa sạch và gọt vỏ; không thức ăn chưa nấu chín.
  • Hãy luôn đảm bảo quy tắc “ăn chín, uống sôi”
  • Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch, không uống nước máy.
  • Xử trí đúng cách khi có người bị tiêu chảy cấp.

(Tổng hợp)

Xem thêm:

TIN LIÊN QUAN

Cảnh báo: thừa cân có thể gây ung thư tuyến giáp

kienthuc

Dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy ngay dưới xương sườn, bạn không được bỏ qua

kienthuc

4 loại nước giúp giải độc gan, tăng cường chức năng gan

kienthuc