10+ Nốt ruồi và bệnh ung thư có nguy hiểm lắm không?

Nốt ruồi và bệnh ung thư

Nốt ruồi là những chấm nhỏ có màu đen, màu nâu, hoặc màu đỏ, có thể bằng phẳng hoặc nhô lên, có hình tròn hoặc hình bầu dục, có thể mọc riêng lẻ hoặc cũng có trường hợp nhiều nốt ruồi xếp liền nhau, xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, như cổ, mặt, sau tai, gáy,…  được hình thành do tăng sắc tố da.

Phần lớn nốt ruồi xuất hiện trên cơ thể là bình thường, bên cạnh đó cũng có những trường hợp nốt ruồi mang các đặc điểm bất thường có thể cảnh báo nguy cơ ung thư đang tiềm tàng. Hãy theo dõi quá trình hình thành nốt ruồi và cách phân biệt nốt ruồi lành tính và ác tính trong bài viết dưới đây.

1. Sự hình thành nốt ruồi

Cấu trúc của da từ ngoài vào trong gồm có lớp biểu bì, trung bì và hạ bì. Nốt ruồi hình thành từ phần dưới của lớp biểu bì, do sự phân bố không đồng đều của sắc tố da.

Nốt ruồi thường xuất hiện ở thời thơ ấu và trong 25 năm đầu đời. Theo thời gian, nốt ruồi có thể không thay đổi, hoặc có thể ngày càng to ra, thay đổi về màu sắc và đôi khi mọc lông, trong khi một số khác lại dần dần biến mất.

2. Phân loại nốt ruồi

2.1 Theo tính chất:

  • Nốt ruồi lành tính: Là những nốt ruồi không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, có màu sắc ổn định, chỉ có một màu, hơi nhô lên hoặc bằng phẳng so với da, hình chấm tròn và có kích thước không quá to, thường có hai nửa đối xứng, ít thay đổi theo thời gian.
  • Nốt ruồi ác tính: Được xem là biểu hiện của ung thư hắc tố hoặc ung thư da. Nốt ruồi ác tính thường xuất hiện sau 25 tuổi, có hình dạng không cân đối, ½ nốt ruồi bên này không khớp với bên kia; màu sắc khác biệt, có thể có màu nâu, đen, trắng, xanh, đỏ; viền, cạnh nốt ruồi mờ, rách, không đều, kích thước lớn; có sự thay đổi về màu sắc, hình dạng, kích cỡ theo thời gian. Ngoài ra còn kèm theo những triệu chứng như chảy máu, ngứa…

2.2 Theo màu sắc:

  • Nốt ruồi đen, nâu: xuất hiện phổ biến nhất trong 3 nhóm, do melanin ở lớp biểu bì tạo nên, xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể con người.
  • Nốt ruồi đỏ (nốt ruồi son): do vi huyết quản nổi lên dẫn đến hình thành nốt màu hồng hoặc đỏ trên da, thường xuất hiện ở tay, ngực hoặc khuôn mặt.
  • Nốt ruồi xanh: do tuyến sắc tố dưới da đột biến nhẹ tạo nên. Nốt ruồi xanh thường có kích cỡ không quá lớn, chỉ cỡ chừng 1cm.

3. Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư hắc tố

  • Lớn tuổi.
  • Có người thân trong gia đình mắc u hắc tố ác tính.
  • Từng mắc ung thư hắc tố.
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Da trắng.
  • Có nhiều nốt ruồi hoặc các nốt ruồi không bình thường.
  • Suy giảm miễn dịch.

4. Cách nhận biết nốt ruồi ung thư

Nếu bạn nhận thấy có sự thay đổi về màu sắc, kích thước hoặc hình dạng của nốt ruồi, nốt ruồi bị sưng tấy và đau, hoặc khi nhận thấy bất kỳ biểu hiện nào theo quy luật ABCDE của Hoa kỳ dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ chuyên khoa ung thư để được chẩn đoán chính xác hơn.

  • A (Asymmetric):Có tính bất đối xứng.
  • B (Border irregularity):Bờ không đều hoặc lan tràn.
  • C (Color variegation):Màu sắc không đều.
  • D (Diameter):Đường kính lớn hơn 6 mm.
  • E (Enlargement hoặc Evolution):Lan rộng hay tiến triển.

5. Chẩn đoán và xác định giai đoạn ung thư

Để xác định chẩn đoán ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết. Tùy thuộc vào đặc điểm khối u, có các phương pháp sinh thiết sau:  

  • Sinh thiết khoan bằng dụng cụ bấm (Punch biopsy).
  • Sinh thiết trọn tổn thương (Excisional biopsy).
  • Sinh thiết một phần tổn thương (Incisonal biopsy).

Sinh thiết khoan bằng dụng cụ bấm và sinh thiết trọn tổn thương được khuyến cáo hơn vì có thể lấy hết các tổn thương nếu cần thiết. Tuy nhiên trong trường hợp tổn thương lớn cần áp dụng sinh thiết một phần tổn thương.

Việc xác định giai đoạn ung thư hắc tố dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng và tình trạng của u – hạch – di căn.

  • Các giai đoạn I và II: ung thư hắc tố nguyên phát cục bộ
  • Giai đoạn III: Ung thư đã di căn đến một hoặc nhiều hạch ở gần đó, chưa di căn xa.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã di căn đến các hạch và cơ quan ở xa như não, phổi và gan.
Nốt ruồi ung thư
Nốt ruồi ung thư

6. Điều trị

Cách điều trị ung thư hắc tố da phụ thuộc và giai đoạn và thể trạng của bệnh nhân.

  • Phẫu thuật cắt bỏ: Những tế bào ung thư nhỏ và ở giai đoạn sớm có thể được cắt bỏ hoàn toàn trong quá trình sinh thiết. Trường hợp ung thư di căn đến các hạch gần đó, bác sĩ sẽ mổ lấy hạch.
  • Liệu pháp miễn dịch: Dùng thuốc giúp hệ miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư. Thường được áp dụng sau khi phẫu thuật đối với các ung thư đã di căn đến hạch hoặc các cơ quan khác của cơ thể.
  • Liệu pháp ngắm trúng đích: Sử dụng thuốctác động vào gen hay protein chuyên biệt có ở tế bào ung thư nhằm ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Áp dụng đối với ung thư đã di căn hạch và các cơ quan khác.
  • Xạ trị: Dùng các tia hoặc sóng năng lượng cao như: tia X, tia gamma, các chùm electron hoặc proton, để tiêu diệt hoặc phá hủy các tế bào ung thư. Xạ trị được sử dụng trong trường hợp không thể cắt bỏ hoàn toàn khối u bằng phẫu thuật. Đối với ung thư đã di căn đến các cơ quan khác, xạ trị giúp làm giảm triệu chứng.
  • Hóa trị: Là một trong những vũ khí chính để điều trị bệnh ung thư. Phương pháp này sử dụng các loại thuốc tiêu diệt tế bào ung thư. Các thuốc hóa trị có thể dùng đường uống hoặc đường tiêm.

7. Phòng ngừa ung thư da

Để ngăn ngừa nguy cơ ung thư da, bạn hãy thử áp dụng một số cách sau:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt trong khoảng 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
  • Đội mũ rộng vành để bảo vệ mặt, đầu, cổ và tai, đeo kính râm chống tia UV.
  • Sử dụng kem chống nắng (UVA/UVB) với SPF từ 15 trở lên mỗi ngày. Đối với hoạt động ngoài trời kéo dài, sử dụng kem chống nắng chống nước (UVA/UVB) với SPF từ 30 trở lên.
  • Thoa kem chống nắng lên cơ thể 30 phút trước khi ra ngoài. Thoa lại sau mỗi 2 giờ, sau khi bơi hay đổ mồ hôi quá nhiều.
  • Sử dụng một số loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như: ngũ cốc, cà rốt, khoai lang, lòng đỏ trứng, các loại trái cây, rau xanh.
  • Gặp bác sĩ da liễu ít nhất một lần một năm để kiểm tra.

Việc phát hiện sớm các khối u hắc tố ác tính và điều trị kịp thời đem lại cơ hội thành công cao khi điều trị và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Nếu nhận thấy các dấu hiệu nốt ruồi báo ung thư kể trên, bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ chuyên khoa ung thư để được thăm khám kịp thời.

“Nguồn: tổng hợp từ Internet”

Xem thêm:

TIN LIÊN QUAN

1 Số Bệnh đái tháo đường: Phân loại, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

kienthuc

1 Số Những bệnh gây khó thở và các bài tập giúp giảm tình trạng khó thở

kienthuc

10+ Cảnh báo: Bệnh võng mạc mắt có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời

kienthuc